Trái phiếu doanh nghiệp: ‘Vá’ tới bao giờ?

Trái phiếu doanh nghiệp: ‘Vá’ tới bao giờ?

Về cả lý thuyết kinh tế và thực chứng ở các quốc gia đều cho thấy tăng trưởng kinh tế luôn song hành với sự phát triển của các thị trường tài chính. Mối tương quan đó cũng thể hiện rõ trong suốt hơn 2 thập kỷ qua ở Việt Nam khi tăng trưởng kinh tế cao luôn song hành với tỷ lệ tín dụng tăng mạnh (từ mức chỉ 17% GDP năm 1996 lên khoảng trên 130% GDP hiện nay).

Thị trường tài chính ngày càng phát triển nhưng một điểm dễ nhận thấy là vẫn chủ yếu tập trung ở kênh tín dụng ngân hàng. Các thị trường và công cụ khác như trái phiếu, cổ phiếu… tuy tỷ trọng đã tăng nhanh trong những năm qua nhưng vẫn rất nhỏ bé so với các quốc gia phát triển hơn trong khu vực và thế giới.

Trong khi nguồn cung và cơ cấu tín dụng dài hạn của khu vực ngân hàng bị hạn chế (nguyên nhân chủ yếu do tính chất ngắn hạn của nguồn huy động khi trên 80% là tiền gửi từ một năm trở xuống), hay các nguồn vốn vay ưu đãi không còn khi Việt Nam đã “tốt nghiệp ODA” thì việc phát triển các thị trường vốn là giải pháp tốt để huy động vốn cho những dự án dài hạn và rủi ro hơn thông qua sử dụng các công cụ nợ và cổ phiếu. Áp lực và gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế – vốn dựa chủ yếu vào tín dụng – nhờ đó sẽ giảm bớt.