Ngược chiều bán ròng, nhiều cổ phiếu vẫn được khối ngoại gom hàng

Ngược chiều bán ròng, nhiều cổ phiếu vẫn được khối ngoại gom hàng

Khối ngoại bán ròng kỷ lục

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng 61.607 tỷ đồng (tương ứng 2,7 tỷ USD) – là con số kỷ lục từ trước đến nay, và gấp 4 lần giá trị bán ròng năm 2020 (khoảng 15.210 tỷ đồng. Nếu xét từ khi vùng dịch Covid-19 năm 2020 tới nay, khối ngoại đã bán ròng lên đến 77.000 tỷ đồng (tương ứng 3,3 tỷ USD). Đà bán ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam cùng nằm trong xu thế rút ròng của khối ngoại diễn ra khắp các thị trường châu Á

Theo các chuyên gia xuất phát từ nguyên nhân xác định vai trò của thị trường Việt Nam trên các thị trường vốn nước ngoài. Việt Nam hiện được xét là thị trường cận biên và khái niệm đầu tư vào các thị trường này đang hao mòn và bị chậm lại, thậm chí bị coi là một chiến lược cũ cần được thay thế. Do đó khối ngoại đã phải bán đi các khoản đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid tác động khiến nhà đầu tư ngoại có tư tưởng “mang tiền về nhà”.

CTCK Mirae Asset nhận định, dòng vốn ngoại lưu chuyển từ các thị trường mới nổi/cận biên về các thị trường Mỹ đã bắt đầu từ 2020, với các lý do chính như sau: đồng USD lên giá tương đối; các gói kích thích kinh tế lớn ở Mỹ và thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh mới. Bên cạnh đó, khả năng Mỹ nâng lãi suất điều hành trong tương lai khi nền kinh tế Mỹ phục hồi trước các nước trên thế giới, cũng như xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục thúc đẩy xu hướng này.

Diễn biến đáng chú ý ở nhóm bất động sản

Xét theo ngành, nguyên vật liệu, thực phẩm đồ uống, ngân hàng và bất động sản là những ngành bị bán ròng mạnh trong năm 2021; trong khi đó, bán lẻ, dầu khí, y tế, phần mềm và dịch vụ, thiết bị và phần cứng là những ngành thu hút được dòng vốn ngoại.

Trong đó diễn biến đáng chú ý ở nhóm ngành bất động sản, bởi đây là nhóm được đánh giá là bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch khi các công trình phải ngưng thi công, các hoạt động bán hàng hay tiến độ bàn giao đều ngưng lại, các chủ đầu tư bị đội chi phí khi vừa phải duy trì đội ngũ, vừa gánh nặng lãi vay, nhiều doanh nghiệp nhỏ thậm chí phải đóng cửa. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền không chảy mạnh vào nhóm này (mà phân hoá ở từng cổ phiếu) trong quý 3.