Giá trị hàng tồn của Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen… tăng bằng lần từ đầu năm và chiếm gần nửa tổng tài sản: Thấy gì từ động thái tích trữ của doanh nghiệp thép?

Giá trị hàng tồn của Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen… tăng bằng lần từ đầu năm và chiếm gần nửa tổng tài sản: Thấy gì từ động thái tích trữ của doanh nghiệp thép?

Là một trong những ngành hưởng lợi từ làn sóng bảo hộ, chiến tranh thương mại năm 2019 đến đại dịch bùng phát từ năm 2020, ngành thép toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng bật tăng mạnh mẽ.

Kết thúc quý 3/2021, lợi nhuận đa số doanh nghiệp trong ngành gồm Hoà Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), SMC… tiếp tục tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ, dù đã bắt đầu giảm tốc từ đỉnh cao nửa đầu năm qua.

Nguyên nhân sớm được dự báo, khi giá nguyên vật liệu ngày một bùng nổ trong cơn sóng hàng hoá, biên lợi nhuận nhóm thép theo nhận định sẽ bị thu hẹp đáng kể. Chưa kể, chi phí phát sinh trong bối cảnh cả nước giãn cách nhiều tháng để phòng chống Covid-19 làn sóng thứ 4 cũng gây áp lực đáng kể lên lợi nhuận doanh nghiệp.

Hiện, nguyên liệu như quặng sắt, phế thép, nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên như than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa… phục vụ cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam chịu sự chi phối lớn từ thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, giá nguyên vật liệu sản xuất thép toàn cầu gần đây tăng bất thường, giá thép thô và thép thành phẩm trên thế giới đều tăng và diễn biến phức tạp, khó lường.

Đơn cử, giá phế liệu sắt mới đây đã lên mức cao nhất trong 13 năm, do các nước xuất khẩu kim loại phế liệu đã thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu, bao gồm cả việc áp thuế xuất khẩu. Với nhu cầu cực lớn, giá phế liệu thép nhập khẩu từ Nhật Bản vào Hàn Quốc hiện đạt trung bình gần 70.000 yên (615 USD)/tấn. Giá thép phế liệu tan chảy nặng A (heavy melting scrap A) – tham chiếu cho thị trường phế liệu châu Á, đã tăng lên 605.000 won (510 USD)/tấn trong tuần đầu tiên của tháng 11, tăng 94% so với năm trước… Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, giá thép phế liệu vượt mốc 600.000 won. Riêng trong tháng 10, giá thép tái chế đã tăng 14%.

Điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, dẫn đến những lo ngại cho chỉ số kinh doanh Công ty quý cuối năm cũng như sang năm 2022.

Dù vậy, sớm nắm bắt tình thế, nhiều đơn vị lớn trong ngành đã có hành động ứng phó. Minh chứng là lượng hàng tồn tăng đột biến tính đến cuối quý 3/2021. Chia sẻ với chúng tôi, đại diện một doanh nghiệp lớn cho biết, con số thực tế thậm chí cao hơn nhiều so với mức ghi nhận trên báo cáo.